Công nghệ tác động thế nào đến ngành bán lẻ?
Công nghệ đang và sẽ tác động rất lớn đến ngành bán lẻ trong tương lai. Dự đoán, trong 5 năm tới, thương mại điện tử (TMĐT) sẽ mang đến 20% doanh thu cho ngành bán lẻ.
Công nghệ đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến lĩnh vực bán lẻ. Kết quả nghiên cứu của Công ty Nielsen vừa công bố cho thấy, môi trường bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có một cuộc cách mạng trong 5 năm qua và dự đoán sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Có đến 50% các nhà lãnh đạo tin rằng các nhà bán lẻ sẽ có tác động “tích cực” đến ngành hàng và thị trường.
Trong đó, môi trường kinh doanh trực tuyến và TMĐT là những nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự thay đổi của môi trường bán lẻ. Và 50% lãnh đạo doanh nghiệp (DN) cũng tin rằng TMĐT sẽ đóng góp 30% hoặc có thể cao hơn nữa vào sự tăng trưởng của DN họ trong 5 năm tới. Hơn 32% lãnh đạo nghĩ rằng TMĐT sẽ mang lại cho họ 20% trong tổng số doanh thu của hoạt động kinh doanh trong 5 năm tới.
Công nghệ, đặc biệt là TMĐT, không còn chỉ là mảnh đất mua bán các sản phẩm liên quan đến du lịch, sách và âm nhạc nữa. Tại Hàn Quốc, TMĐT hiện là kênh bán lẻ lớn nhất và tại Indonesia, doanh số bán lẻ trực tuyến đạt mức tăng trưởng 50% qua từng năm.
Mạng internet đã góp phần thay đổi diện mạo của ngành bán lẻ nhiều nước, là chất keo kết nối DN, thị trường với người tiêu dùng. Rất nhiều đơn vị bán hàng thông qua cửa hàng đã vận hành song song hai mô hình bán hàng trực tuyến (online) và trực tiếp (offline).
Tại Việt Nam, TMĐT đang phát triển khá mạnh. Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), doanh thu TMĐT năm 2014 ước đạt 2,7 tỷ USD và tăng lên 4 tỷ USD trong năm 2015. Các thương hiệu chuyên bán hàng trực tuyến như Lazada, Zalora, Sendo… đã đạt những con số mơ ước.
Mỗi năm, Lazada có doanh số lên đến 600 tỷ đồng, chiếm 30% thị phần bán lẻ trực tuyến. Zalora có hơn 1,3 triệu khách hàng thành viên, 6 triệu lượt theo dõi trên Facebook với sự tham gia của hơn 500 thương hiệu thời trang trong nước và quốc tế. “Các nhà bán lẻ offline” như Co.opmart, Big C, Vinmart… cũng đầu tư mạnh cho bán hàng trực tuyến.
Cuối năm 2014, bên cạnh hệ thống siêu thị trải dài ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Big C Việt Nam đã ra mắt trang bán lẻ trực tuyến CDiscount với tiêu chí đưa hàng thực phẩm tươi sống lên mạng.
Hiện tại, đã có đến 50.000 mặt hàng được giới thiệu đến người tiêu dùng thông qua CDiscount. Tương tự, Co.opmart đã hai lần thay đổi và cải tiến toàn diện kênh bán hàng trực tuyến. Vingroup cũng kịp ra mắt kênh bán hàng trực tuyến Adayroi vào cuối năm 2015.
Ông Regan Leggett, Giám đốc cấp cao của Nielsen khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương, cho rằng: “Mặc dù có thể nói sự phát triển của TMĐT vẫn còn trong giai đoạn trứng nước ở khu vực Đông Nam Á, nhưng có một điều chắc chắn là TMĐT sẽ phát triển theo cấp số nhân và sẽ thay đổi thị trường bán lẻ và người tiêu dùng như chúng ta đang thấy”.
Mặc dù thị trường đang phát triển nhưng để khai thác tiềm năng của kênh bán hàng này là điều không đơn giản. Việc thiết lập cửa hàng trực tuyến không khó nhưng làm thế nào để có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường là cả một vấn đề. Bởi thị trường hiện nay không còn gói gọn ở 90 triệu người Việt Nam mà mở rộng ra hơn 600 triệu người ở khu vực ASEAN.
“Sự đa dạng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN mang đến cho DN cả cơ hội lẫn thách thức. Các DN trang bị đầy đủ kiến thức về thị trường cũng như xu hướng tiêu dùng sẽ là những DN tốt nhất để dẫn đầu thị trường”, ông Regan Leggett nói.
Theo Doanh nhan sai gon