Làm tiếp thị thời kinh tế khó khăn

Không ít doanh nghiệp phải từ bỏ những chiến dịch tiếp thị đã được thiết kế khá quy mô vì thiếu kinh phí, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn làm doanh nghiệp vừa mất tiền mà lại không thu hút được khách hàng.

Theo các chuyên gia của một số công ty tiếp thị hàng đầu, doanh nghiệp vấn có thể “gỡ gạc” lại bằng cách thực hiện nhiều chiến dịch tiếp thị nhỏ hơn, với chi phí ít hơn, thậm chí có khi không mất chi phí, mà vẫn đạt được hiệu quả cao. Những chiến dịch tiếp thị thông minh như thế có thể làm thay đổi cách doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng trong tương lai.

Thử nghiệm với những đối tượng khách hàng mới

Todd Miller – Giám đốc điều hành của Tập đoàn Archer – chia sẻ: “Các chiến dịch tiếp thị được thực hiện trong năm thường chỉ tập trung vào những khách hàng mục tiêu chủ yếu của doanh nghiệp. Trong khi đó, vẫn còn nhiều cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận với những khách hàng thuộc nhóm thứ hai kém tiềm năng hơn.

Để tận dụng những cơ hội ấy, chúng tôi thường chuyển sang các chiến dịch mang tính xã hội, qua đó xác định được những hoạt động tương tác đối với khách hàng mà doanh nghiệp cần thực hiện để khai thác tốt hơn tiềm năng của họ.

Sau này, khi thời gian cho phép, chúng tôi sẽ thực hiện các cuộc khảo sát với nhóm khách hàng thứ hai hay triển khai các chương trình khuyến mãi phù hợp với họ. Thường thì chúng tôi cố gắng tìm ra điều gì đó mới mẻ cho những chiến dịch về sau để khẳng định thêm giá trị của cách làm mới”.

Tham gia những sự kiện lớn thu hút khách hàng

“Hãy tìm nơi nào, sự kiện nào thu hút nhiều khách hàng hiện tại cũng như khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp, chẳng hạn thuê mặt bằng đặt một quầy hàng để cùng mọi người chia sẻ ý kiến về một đề tài nào đó mà khách hàng quan tâm.

Cũng có thể tổ chức một bữa tiệc cho khách hàng và khuyến khích họ mời bạn bè cùng đến dự. Những dịp như thế sẽ giúp doanh nghiệp hiểu hơn nhu cầu và sở thích của khách hàng cũ, đồng thời mở rộng quan hệ với những khách hàng triển vọng.

Điều quan trọng là không được quên thực hiện các hoạt động hay lời hứa ngay sau sự kiện đó. Ví dụ, nếu thu thập được nhiều danh thiếp hay địa chỉ thư điện tử của khách hàng tiềm năng thì nên gửi thư để cảm ơn họ.

Trong thư có thể gắn kèm một dịch vụ nào đó có giá trị đối với khách hàng, chẳng hạn như gửi bản tin miễn phí, ưu đãi giảm giá…” – Linda Worrell, Giám đốc điều hành của Red F đã bật mí như vậy.

Tổ chức các diễn đàn

“Khách hàng hiện nay rất thích phát biểu và thể hiện quan điểm của họ. Các trang nhật ký điện tử, các diễn đàn tán gẫu (chat room), các sân bình luận trên internet luôn tràn ngập ý kiến của người tiêu dùng.

Nếu biết khai thác xu hướng này, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được với rất nhiều khách hàng. Cụ thể, doanh nghiệp có thể chủ động khởi xướng đề tài bàn luận và mời mọi người tham gia.

Tất nhiên, doanh nghiệp phải khéo léo hướng sự chú ý của khách hàng vào mục đích chính nhưng tỏ ra tránh cường điệu hoặc nói quá nhiều về sản phẩm trong các thuyết trình. Cần nhớ rằng khách hàng chỉ thích nói về những điều mà họ cảm thấy thú vị, chứ nhãn hiệu chẳng có gì thú vị đối với họ” – Kevin Roddy, Giám đốc sáng tạo của Công ty Publicis & Hal Riney chia sẻ.

Trở thành một phần của sự kiện

Đó là ý tưởng của Maneesh K. Goyal – Tổng giám đốc của MKG, một công ty cung cấp dịch vụ tiếp thị thử nghiệm. Anh chỉ ra: “Tài trợ cho các sự kiện lớn có thể là một cách làm hiệu quả nhưng khá tốn kém, do đó doanh nghiệp nên nghĩ đến những cách thú vị khác để lồng ghép sản phẩm hay dịch vụ của mình như là một phần của sự kiện nhằm tạo ra sự chú ý cho khách tham dự.

Những người đầu tiên quan tâm đến sự hiện diện của doanh nghiệp tại sự kiện sau này có thể trở thành những cổ động viên nhiệt tình của doanh nghiệp. Vì vậy, nên tranh thủ kết nối với bất cứ ai có triển vọng trở thành cổ động viên của doanh nghiệp và dành cho họ sự đánh giá cao cùng món quà tặng có ý nghĩa khi biết họ đã chia sẻ những câu chuyện tích cực về sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp cho bạn bè, đồng nghiệp”.

Tận dụng mạng xã hội

“Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, doanh nghiệp nên tranh thủ sử dụng mạng xã hội và các nỗ lực xây dựng quan hệ với công chúng để thực hiện các chiến dịch tiếp thị có quy mô nhỏ một cách có hiệu quả về mặt chi phí nhất” là ý kiến của Jose Villa – nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty Quảng cáo Sensis.

Rà soát lại các cơ hội bán hàng cũ

“Doanh nghiệp có thể liên hệ lại với những người đã từng tìm hiểu về sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp nhưng chưa mua hàng. Vì họ đã quan tâm đến sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp nên sẽ không mất quá nhiều chi phí để tiếp cận và bán hàng cho họ”. Đó là kinh nghiệm của Dan Feldstein – Giám đốc tiếp thị của Công ty Red Venturesd để doanh nghiệp có thể mang lại lượng khách hàng lớn nhất với doanh thu cao nhất.

Theo DNSG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *