5 bí quyết giúp các nhà bán lẻ truyền thống thu hút khách hàng

Trong khi mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, các cửa hàng truyền thống có thể sử dụng 5 bí quyết dưới đây để tăng sức mua khách hàng, hạn chế tình trạng ế ẩm hoặc đóng cửa.

Amazon

Cạnh tranh gay gắt từ hình thức mua hàng trực tuyến đang khiến chủ nhân các hệ thống bán lẻ, từ nhà hàng sang trọng đến cửa hàng bình thường, cảm thấy đau đầu. Chìa khóa cho bài toàn này nằm ở việc tăng trải nghiệm khách hàng, biến cửa hàng thành biểu tượng phản ánh giá trị thương hiệu và địa điểm đáng để khách hàng ghé thăm.

“Các nhà bán lẻ đang nhận ra tầm quan trọng của việc tăng trải nghiệm tại cửa hàng”, Duncan Gilliard, Giám đốc bộ phận bán lẻ của JLL tại London cho biết. “Chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều nhà bán lẻ tập trung đẩy mạnh trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng hơn là mở rộng số lượng chuỗi”.

Theo Gilliard, dưới đây là 5 bí quyết giúp các nhà bán lẻ tạo ra ra trải nghiệm dễ chịu cho khách hàng.

1. Tổ chức hội thảo và tập huấn ngay trong cửa hàng

Các nhãn hiệu làm đẹp luôn hiểu rõ giá trị của việc tổ chức các buổi trang điểm miễn phí nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm của họ. Giờ đây, các nhãn hàng thời trang cũng tận dụng bí quyết này bằng việc tổ chức nhiều sự kiện miễn phí để khách hàng tham gia, dù sản phẩm không bán được cũng không sao.

Thương hiệu thời trang thể thao cao cấp Lululemon đã mở các lớp học yoga tại một số cửa hàngở Bắc Mỹ và Anh, trong khi Nike tổ chức các lớp đào tạo đa năng, từ thể dục nhịp điệu trên bãi biển cho đến lớp trượt patin trong thành phố.

Tại Vương quốc Anh, nhà phân phối thời trang The White Company đã tổ chức các lớp học miễn phí trong, hướng dẫn cách sáng tạo một ngôi nhà lý tưởng, trong khi nhà thiết kế người Anh JW Anderson thành lập một cửa hàng độc đáo tại London, nơi diễn ra các cuộc triển lãm và họp mặt của giới nghệ sỹ.

2. Tích hợp thêm nhà hàng và quán cà phê

Nhiều nhãn hãng thời trang đã mở thêm quán cà phê và nhà hàng ngay trong của hàng quần áo, biến đây thành một phần khá quan trọng trong chiến lược gia tăng trải nghiệm thương hiệu.

Cửa hiệu hàng đầu của Burberry tại London đã ra mắt Thomas’, quán cà phê ngay trong cửa hàng với lối ra vào riêng biệt . Trong khi đó, cửa hàng mới của H&M ở Barcelona cũng cho ra đời một nhà hàng chay tại đây.

Gilliard cho biết: “Ngay cả khi khách hàng chỉ đến để ăn hoặc uống và không mua bất kì sản phẩm nào, thì họ vẫn có cơ hội trải nghiệm thương hiệu”.

3. Thủ tục thanh toán dễ dàng

Đối với thế hệ khách hàng ngàng càng trẻ trung, Amazon đã thử nghiệm hình thức thanh toán trực tuyến không thông qua quầy tại cửa hàng đầu tiên. Người mua sẽ mở ứng dụng Amazon trên điện thoại của họ, ứng dụng sau đó tự kiểm tra những sản phẩm khách hàng muốn mua và trừ tiền trực tiếp trong tài khoản Amazon Prime.

Zara và Rebecca Minkoff cũng đang theo sát các nhãn hàng lớn trong việc xây dựng hệ thống thanh toán tự động. Mục đích là tăng tốc độ mua sắm và giảm thời gian xếp hàng cho các khách hàng trẻ, những người thích tự làm mọi việc “từ A tới Z”.

4. Cải thiện phòng thử đồ

Nhiều người ngại khi phải thử đồ, nhưng việc lắp đặt gương công nghệ cao và điều chỉnh ảnh sáng trong phòng thử đồ có thể làm họ thay đổi ý kiến.

Tại một cửa hàng của Abercrombie & Fitch, khách hàng có thể tự điều chỉnh ánh sáng và âm nhạc theo ý của mình. Còn tại cửa hàng của Polo Ralph Lauren, các mẫu gương thông minh đã được lắp đặt, giúp khách hàng không chỉ điều chỉnh ánh sáng, mà còn có thể truy cập thông tin liên quan đến kích cỡ sản phẩm, kiếm tra tình trạng hàng còn hay hết.

5. Công nghệ khuyến khích mua sắm

Áp dụng công nghệ cũng giúp cửa hàng bán lẻ tăng thêm lợi thế cạnh tranh.

Tommy Hilfiger và Topshop đã chiếu các chương trình catwalk của họ thông qua kính thực tế ảo ngay trong cửa hàng. Lowes Home Improvement giúp người mua hình dung các dự án tự tay làm lấy (DIY) bằng việc cung cấp không gian thực tế ảo (VR) để học các kỹ năng và thực hiện các ý tưởng ngay tại nhà.

Trong khi đó, Marks and Spencers and Dune theo dõi điện thoại thông minh của khách hàng để hiểu được những gian hàng nào khách muốn ghé thăm nhằm cải thiện không gian cửa hàng và gửi các ưu đãi riêng cho từng khách

“Tất cả những điều trên đều nhằm cá nhân hóa hành trình mua sắm của người tiêu dùng”, Gilliard cho biết. Đối với hình thức kinh doanh, dù trực tuyến hay truyền thống, trải nghiệm khách hàng vẫn là yếu tố then chốt tạo nên thành công của một nhãn hàng.

Theo Trí Thức Trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *