12 Kinh nghiệm bán hàng thành công
Trong kinh doanh, khách hàng là nhân tố quan trọng nuôi sống doanh nghiệp, bộ phận bán hàng đóng vai trò tạo ra doanh thu cho doanh nghiệp, người bán hàng giỏi sẽ trải qua những thăng trầm của hoạt động bán hàng. Để có được những kinh nghiệm trong nghề bán hàng, nhân viên bán hàng thường phải học hỏi rất nhiều từ kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp cũng như trải nghiệm những tình huống thực tế trong quá trình bán hàng của mình. Dưới dây 12 kinh nghiệm bán hàng giành cho những ai yêu thích nghề bán hàng tham khảo.
Thứ nhất, lòng đam mê: Người bán hàng phải có lòng đam mê, kiên trì, tinh thần trách nhiệm, để theo đuổi mục đích phát triển sản phẩm của doanh nghiệp. Bản thân phải luôn tự hào mình là thành viên của doanh nghiệp, điều này tạo ấn tượng về lòng tin cho khách hàng.
Hãy yêu Sale vì bán hàng là một nghệ thuật
Thứ hai, đạo đức nghề nghiệp: Khởi đầu của một người bán hàng là tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, trước hết để khẳng định mình, sau đó để chia sẻ và gắn bó trách nhiệm với khách hàng (tránh kiểu đem con bỏ chợ).
Thứ ba, có kỹ năng giao tiếp tốt: Biết lắng nghe, giao tiếp bằng mắt, sử dụng nụ cười để làm ngôn ngữ giao tiếp, chú ý trang phục phù hợp, chỉnh tề, dáng đứng thẳng, nói năng tự tin khi tiếp cận khách hàng. Luôn đặt câu “Khách hàng luôn đúng” làm nền tảng trong giao tiếp. Có như vậy, cố gắng của bạn sẽ sớm được đền đáp.
Thứ tư, hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ: Đối với người bán hàng trước hết phải hiểu rõ tường tận sản phẩm của mình đang bán, nắm vững những tính năng ưu việt, cũng như yếu kém của sản phẩm mình. Phải nghiên cứu hiểu rõ sản phẩm của đối thủ để có thể so sánh sản phẩm của mình với sản phẩm cùng lọai của những đối thủ cạnh tranh. Không chỉ có vậy, người bán hàng còn phải tự nỗ lực nâng cao sự hiểu biết, kiến thức chuyên ngành qua sách báo, hội thảo, các khóa đào tạo, hội nghị khách hàng,…
Thứ năm, luôn vì khách hàng: Phải thực sự quan tâm đến những yêu cầu đòi hỏi của khách hàng cũng như chính sách của công ty của họ trong việc lựa chọn mua sản phẩm của mình.
Thứ sáu, người tư vấn chuyên nghiệp: Phải đưa ra những giải pháp cũng như nhiều sự lựa chọn khác nhau để khách hàng có cơ hội so sánh, điều đó sẽ giúp khách hàng nhận định rõ về sản phẩm của bạn đang chào bán, qua đó họ nhận thấy được những tiện ích, tính năng vượt trội khi sử dụng sản phẩm của bạn.
Giúp khách hàng tìm ra giải pháp tốt nhất chính là niềm vui lớn nhất
Thứ bảy, trung thực và chân thành: Tuyệt đối không được tâng bốc, nói tốt quá nhiều về sản phẩm mà bạn đang chào bán. Điều này dễ làm khách hàng hoài nghi, tìm cách lảng tránh sản phẩm của bạn
Thứ tám, khôn khéo so sánh với đối thủ cạnh tranh: Hạn chế nhận xét về đối thủ của bạn, tuyệt đối không được nói xấu đối thủ cạnh tranh. Luôn đề cao tính năng tiện ích sản phẩm của mình, có như vậy khách hàng mới cảm nhận được sản phẩm của bạn, nên có thái độ nhiệt tình quan tâm đến từng chi tiết nhỏ, hướng dẫn khách hành từng bước một nhằm khơi dậy niềm cảm hứng cho khách hàng.
Thứ chín, chăm sóc khách hàng khi cần: Cần phải xây dựng kế hoạch để “ bảo trì niềm tin” mục đích là để bảo vệ sản phẩm, tạo uy tín cho thương hiệu (Lưu lại những thông tin cần thiết về khách hàng, để có kế hoạch chăm sóc khách hàng định kỳ sau khi bán hàng).
Thứ mười, kiên nhẫn và kiên nhẫn: Phải xác định được công việc bán hàng là một nghề có tính nghệ thuật cao. Đòi hỏi phải có sự ứng xử năng động, tư duy sáng tạo kết hợp với sự thông minh và lòng kiên nhẫn.
Thứ mười một, Bán thứ khách hàng cần:
Bán những gì khách hàng cần nên cần phải biết khách hàng muốn gì bằng hoạt động nghiên cứu marekting
Nguyên tắc này xưa như trái đất, nhưng có lẽ chỉ một số người bán hàng còn dám tuân thủ vào thời điểm kinh doanh gặp bất lợi. Bởi khi buôn bán ế ẩm, ruột gan héo hon với đống hàng tồn chất đống trong kho, mấy ai còn đủ dũng khí mà không tìm mọi cách… bán tất cả những thứ mình có. Một vị khách vào cửa hàng hỏi mua hộp sữa tươi loại 1 lít, có đường. Nhằm ngay thời điểm khan hiếm hàng, người bán cho biết chỉ còn loại sữa tươi không đường, giàu canxi. Khách từ chối mua với lý do không quen dùng sữa không đường. Người bán hàng bèn tư vấn về nhu cầu canxi cho cơ thể của người tuổi trung niên: “Chị ơi, phụ nữ bước vào tuổi trung niên như chị em mình thì cơ thể bị mất dần canxi, nên phải bổ sung…”.
Nể lời, vị khách mua hộp sữa nhưng phát hiện hạn sử dụng của sản phẩm chỉ còn chưa đầy một tháng. Lúc này, vị khách cho rằng người bán hàng thực chất muốn… dọn hàng tồn kho nên đã từ chối mua sản phẩm.
Trong trường hợp này, nếu cửa hàng không còn loại sản phẩm khách hàng cần, người bán có thể chạy đi lấy hàng ở nơi khác, hoặc nếu là khách quen thì xin địa chỉ để giao hàng tận nhà cho họ. Như thế mới là bán đúng thứ khách hàng cần mua, chứ không phải chỉ tìm cách bán cái mình có!
Chưa kể, người bán còn vô tình làm phật lòng khách hàng khi nói rằng chị ta đang bước sang sườn dốc bên kia cuộc đời! Hiển nhiên, vị khách đó sẽ đưa ra những lý do để không mua hàng như lượng canxi cần thiết cho cơ thể có thể bổ sung từ nguồn thực phẩm khác ngoài sữa; việc bổ sung quá nhiều canxi cũng có thể gây hại cho cơ thể…
Thứ mười hai, Làm vừa lòng khách hàng
Đây cũng là câu chuyện cũ. Ai chẳng biết muốn bán được hàng thì miệng lúc nào cũng phải cười tươi như hoa, nói năng nhỏ nhẹ, phục vụ chu đáo, tiếp đãi ân cần… Nhưng xét cho cùng, các thủ thuật trên nếu sử dụng một cách thành thục quá sẽ dễ tạo vẻ xởi lởi giả tạo. Những khách hàng tinh ý, hoặc chỉ cần đi mua hàng thường xuyên sẽ nhận biết ngay. Từ đó, khi vào cửa hàng, khách có thể chỉ săm săm đi tới chọn hàng, chứ chẳng thèm để ý xem người bán hàng đang chiêu dụ gì.
Vì vậy, chuyện làm vừa lòng khách nên được hiểu là hãy làm cho họ thoải mái, vừa ý, thậm chí là thỏa mãn với ngay cả những thứ họ không phải bỏ tiền ra mua. Ở đây không bàn chuyện tặng quà khuyến mãi, giảm giá sản phẩm… dù trên thực tế một số nơi làm điều này một cách chiếu lệ, được chăng hay chớ.
Giữa năm 2010, một siêu thị bán lẻ tại TPHCM rầm rộ khai trương. Trong ngày đó, khách đến tham quan đông như trẩy hội. Nhân viên, cán bộ quản lý siêu thị ra tận cửa đón khách với thái độ cung kính. Tuy nhiên, ấn tượng tốt đẹp này chỉ có ở tuần lễ khai trương, sau đó khách đến mua sắm thường phải chịu đựng những bực bội không đáng có. Siêu thị có bãi giữ xe rộng, nhiều tầng, lối đi ngoằn ngoèo như mê cung.
Mấy hôm đầu, do đông khách nên nhiều người cố nhẫn nhịn chuyện mấy anh bảo vệ điều khiển xe ra vào bằng những tiếng còi huýt váng tai, những tiếng quát mắng thô lỗ… Khi hết tháng khuyến mãi, lượng khách mua sắm giảm đáng kể nhưng mấy anh bảo vệ vẫn tiếp tục thể hiện uy quyền của mình bằng những cái chỉ tay, tiếng quát tháo, tiếng tu huýt chói tai với những vị khách vì chưa rành đường nên đi sai hướng trong mê cung gửi xe.
Nhiều người quá chán ngán nạn “chỉ trỏ, quát tháo” nên ra ngoài gửi xe. Siêu thị bèn đưa ra chính sách giảm giá giữ xe cho khách mua sắm. Chuyện tưởng đơn giản nhưng các “công đoạn thực hiện” lại quá rườm rà. Ngoài nỗi phiền toái này thì việc nhận tiền hỗ trợ gửi xe cũng có hơi hướm tem phiếu thời bao cấp. Ở các siêu thị khác, nếu đựng hàng trong làn xách tay của siêu thị thì khi tính tiền khách chỉ việc để cả làn lên quầy, nhân viên siêu thị sẽ lấy hàng ra giúp khách. Còn tại siêu thị này, dù không phải lúc đông khách nhưng nhân viên thu ngân vẫn kiên quyết bắt khách phải tự lấy hết hàng ra để trên quầy, rồi mới chịu tính tiền. Dù sao đi nữa ban quản lý siêu thị cũng nên để tạo cho khách hàng cảm giác thoải mái mọi lúc mọi nơi, để việc đi mua sắm không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng cá nhân, mà còn là hành vi ủng hộ doanh nghiệp.
Trên đây là 12 kinh nghiệm bán hàng giúp các bạn yêu thích bán hàng trở thành người tư vấn bán hàng luôn được khách hàng quý mến.
Nguồn sms-mart.net sưu tầm