Mở siêu thị ở Việt Nam có gì hấp dẫn

Sự ra đi của những ông chủ Big C hay Metro Cash & Carry Việt Nam càng khiến cuộc chơi trên thị trường bán lẻ thêm phần căng thẳng.

thi-truong-ban-le-viet-nam-dn-nho-dau-truong-lon
Năm 2008, Việt Nam từng được A.T Kearney, một công ty tư vấn hàng đầu về bán lẻ đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn nhất thế giới, trên cả Hong Kong, Trung Quốc, Singapore hay Malaysia.

Tuy nhiên, thứ hạng này liên tục thụt lùi và đến nay, Việt Nam đã nằm ngoài top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Sức hấp dẫn giảm dần, cùng quy mô thị trường tăng trưởng chậm đã khiến những ông lớn trong ngành này mất dần kiên nhẫn.

Năm 2015, ông chủ Big C là tập đoàn Casino quyết định thanh lý toàn bộ mảng kinh doanh của Big C tại Việt Nam dù cho vào thời điểm đó, Big C Việt Nam đang là nhà bán lẻ quy mô thứ 2 thị trường.

Tại sao Big C lại quyết định ra đi, dù họ đã phát triển mạnh và có chỗ đứng vững vàng trong lòng người tiêu dùng Việt?

Ngoài lý do được đưa ra là cần tiền trả nợ, một yếu tố khác có thể nghĩ tới là thị trường Việt Nam trong mắt DN Pháp chưa đủ hấp dẫn. Phát triển tại Việt Nam 13 năm mà tới ngày ra đi, doanh thu của chuỗi Big C tại đây mới đạt được khoảng 12.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 500 triệu euro thời điểm đó, chỉ bằng 1% trên tổng doanh thu gần 50 tỉ euro năm 2014 của toàn tập đoàn.

Không thể chờ nổi thị trường phát triển lớn mạnh thì tốt nhất là … bán một cục và mang tiền đi trả các khoản đầu tư khác. Trước đó, Metro Cash & Carry – một tập đoàn của Đức chuyên bán buôn (kiêm luôn bán lẻ tại Việt Nam) cũng dứt áo ra đi sau 12 năm có mặt tại Việt Nam trong thương vụ trị giá 655 triệu euro. Trong ngành bán lẻ, Metro Cash & Carry có doanh số xếp thứ 3, chỉ sau Big C và Saigon Co.op.

tai-xuong-1

 

Việc ông lớn thứ 2 và 3 thị trường bán lẻ siêu thị tại Việt Nam dứt áo ra đi có phải là tín hiệu cho thấy thị trường đang xuống dốc?

Câu trả lời có lẽ là không. Dù doanh thu không phải quá lớn, nhưng khi mang đi bán, cả Big C lẫn Metro Việt Nam đều ra đi rất nhanh chóng và có giá không hề rẻ. Metro có giá 655 triệu euro, còn Big C Việt Nam có giá 1,1 tỉ USD – thiết lập kỷ lục lớn nhất từng có cho 1 thương vụ M&A tại Việt Nam.

Các thương vụ thâu tóm cũng thu hút rất đông những nhà đầu tư trong và ngoài nước, có tiềm lực còn mạnh mẽ hơn cả Big C và Metro. Trong vụ thâu tóm Big C Việt Nam, người ta chứng kiến sự xuất hiện của các tập đoàn hùng mạnh từ Nhật Bản, Thái Lan và thậm chí là cả Việt Nam.

TCC, tập đoàn Thái đã thâu tóm Metro Cash & Carry trước đó, đã suýt thành công trong việc thâu tóm nốt Big C Việt Nam. Nhưng cuối cùng, Big C Việt Nam lại về tay một tập đoàn Thái Lan khác là Central Group.

Một điểm thú vị, đó là chính Central Group là tập đoàn đã bán lại Big C Thái Lan cho đối thủ đồng hương là TCC, để dồn lực mua Big C Việt Nam. Hành động quyết định “bỏ sân nhà sang đá sân khách” này của Central cho thấy tập đoàn này đang bị thị trường bán lẻ tại Việt Nam hấp dẫn đến mức nào.

Theo số liệu của EIU, thị trường bán lẻ của Việt Nam năm 2016 sẽ có quy mô khoảng 97 tỉ USD và tới năm 2018 sẽ đạt mức 122 tỉ USD, còn kém xa so với quy mô 196 tỉ USD của Thái Lan, nhưng tốc độ tăng trưởng lại tốt hơn nhiều.

Quan trọng hơn, theo hiệp hội bán lẻ, hiện tại bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, shopping mall,…) mới chỉ chiếm khoảng 25% thị trường, trong khi đó tỉ lệ này ở Thái Lan là gần 50%. Điều này đồng nghĩa với việc, thị trường Việt Nam còn sơ khai và có nhiều “đất” để các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng hơn nhiều lần.

mo-sieu-thi-o-viet-nam-co-gi-hap-dan-ma-ti-phu-giau-nhat-thai-lan-viet-nam-deu-nhay-vao-3

 

Các DN Thái Lan đang rất hào hứng, bởi họ tin rằng thị trường Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng với Thái Lan, và công cuộc chinh phục sẽ lặp lại quá trình họ đã làm với thị trường quê nhà cách đây gần 3 thập kỷ. Người Nhật cũng có ý niệm tương tự khi những đại gia bán lẻ Nhật Bản như Takashimaya và đặc biệt là Aeon đang đầu tư xây dựng hạ tầng rất mạnh mẽ tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, người Thái hay người Nhật sẽ khó tự do phát triển. Tiềm năng ngành bán lẻ Việt Nam không chỉ thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, mà còn cả những doanh nghiệp lớn trong nước nữa.

Saigon Co.op là một ví dụ điển hình. Doanh nghiệp Nhà nước này từ lâu đã luôn đứng vị trí số 1 trong ngành bán lẻ Việt Nam với doanh thu vượt ra khá xa so với Big C Việt Nam.

Trái với Saigon Co.op, Vingroup là cái tên mới nổi bật nhất trong số các DN tư nhân nước nhà đang triển khai bán lẻ. Dù còn nhiều hạn chế về hàng hóa cũng như chất lượng dịch vụ, nhưng Vingroup cho thấy sự quan tâm đặc biệt của mình vào lĩnh vực này.

Nếu mảng nông nghiệp của Vingroup được nhận định chỉ có mục đích “từ thiện” chứ không mang lại giá trị kinh tế đáng kể thì mảng bán lẻ được dự báo có thể sẽ đóng vai trò quan trọng hơn cả mảng bất động sản trong tương lai không xa.

Riêng quý 1 năm 2016, doanh thu từ hệ thống Vinmart và Vinmart+ đạt gần 2.200 tỉ đồng, xếp thứ 2 trong số các lĩnh vực kinh doanh của Vingroup, chỉ sau chuyển nhượng bất động sản. Cùng với việc đẩy mạnh số lượng điểm bán, doanh nghiệp này cũng gây ấn tượng với chiến lược lôi kéo nhà cung cấp nội địa như giảm chiết khấu xuống 0%.

Nếu mang về cho Vingroup doanh thu 10.000 tỉ trong năm 2016, quy mô hệ thống bán lẻ của tập đoàn này đã gần đuổi kịp Big C Việt Nam. Đây có thể coi là khởi đầu rất ấn tượng của Vingroup bởi Big C Việt Nam phải mất 10 năm xây dựng thị trường mới đạt nổi cột mốc doanh thu này, còn Vinmart mới ra mắt có gần 2 năm.

Một ông lớn hàng tiêu dùng nhanh nội địa là Masan cũng cảm thấy hứng thú với bán lẻ. Trong phiên đấu giá Big C Việt Nam, tờ Wall Street Journal đưa tin có ít nhất 3 doanh nghiệp Việt đến tham dự phiên đấu giá, trong đó có Masan. Nếu xét về quy mô, Masan cũng không thua kém nhiều so với Vingroup.

Những doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn như Citimart, Fivimart thì tìm hướng phát triển thông qua bắt tay với đại gia ngoại. Đây có thể coi là bước đi khôn ngoan tránh thế đối đầu trực diện với các đại gia ngoại giàu tiềm lực, vừa nhận được những hỗ trợ về nguồn lực của nước ngoài. Hiện tại, ngành bán lẻ Việt Nam vẫn còn được chính phủ bảo hộ, vì vậy vai trò của Citimart, Fivimart trong liên doanh sẽ tiếp tục được duy trì.

Nhìn lại năm 2015 và nửa đầu năm 2016, những thương vụ M&A kỷ lục, liên doanh, các khoản đầu tư mở rộng đẩy mạnh số lượng điểm bán, những chính sách lôi kéo nhà cung cấp và người dùng của các đại gia bán lẻ tại Việt Nam, có thể thấy sự ra đi của những ông chủ Big C hay Metro Cash & Carry Việt Nam không hề khiến thị trường bán lẻ hạ nhiệt mà trái lại, càng khiến cuộc chơi thêm phần căng thẳng. Tất cả các tay chơi đều đang sẵn sàng hy sinh để đầu tư, chuẩn bị cho ngày “hái lộc”.

Theo Hoàng Vân – Trí Thức Trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *