Thị trường bán lẻ Việt Nam: Doanh nghiệp nhỏ, đấu trường lớn

Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu bán lẻ trong và ngoài nước sẽ khó đến hồi kết nhưng có thể khẳng định đã, đang mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng cũng như thúc đẩy kênh phân phối hiện đại phát triển.

Năm 2016 là một năm đầy biến động của thị trường bán lẻ Việt Nam. Sau khi tập đoàn TCC hoàn tất việc mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Tập đoàn Metro tại Việt Nam với tổng trị giá 655 triệu Euro, đến lượt Central Goup giành thắng lợi khi mua lại hệ thống Big với mức giá 920 triệu Euro.

thi-truong-ban-le-viet-nam-dn-nho-dau-truong-lon

Thống kê cho thấy, trong hai năm 2014 và 2015, ngành bán lẻ dẫn đầu với tỉ trọng chiếm 36% tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam.

Lập thế “chân vạc”

Trước đó, Aeon của Nhật Bản lại thâu tóm Fivimart và Citimart cùng lúc với việc xây dựng và phát triển 3 trung tâm thương mại lớn và đại siêu thị thứ hai tại Hà Nội. Theo kế hoạch, đến năm 2020 tập đoàn này sẽ mở 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn tại Việt Nam với vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD.

Tham vọng không kém, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc Lotte Mart cũng khai trương Trung tâm Thương mại thứ 8 quy mô lớn tại Hà Nội. Tập đoàn này đã đặt ra chiến lược đến năm 2020 sẽ có 60 trung tâm thương mại tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 3,2 tỷ USD…

Ở trong nước, Saigon Coop vẫn đang là thương hiệu bán lẻ nội địa lớn nhất, với tổng doanh thu khoảng 27.000 tỷ đồng trong năm 2015. Hiện tại, Saigon Coop gần như độc chiếm toàn bộ thị trường bán lẻ miền Trung và đặc biệt là miền Nam với tổng cộng khoảng 80 siêu thị, 2 đại siêu thị và gần 300 cửa hàng, đưa tổng số lên tới khoảng 378. Nhưng trong số các thương hiệu bán lẻ Việt, Vigroup có tham vọng hơn cả. Tập đoàn Vingroup đặt mục tiêu mở 500 siêu thị và 8.000 cửa hàng tiện lợi dưới thương hiệu VinMart và VinMart+ trong vòng 5 năm tới. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, cục diện trên thị trường bán lẻ Việt Nam đã hình thành thế chân vạc với ba nhóm chính gồm: DN trong nước – nhà đầu tư Thái Lan (sau khi thâu tóm thành công BigC và Metro) – các nhà đầu tư nước ngoài khác.

Hơn thế, hiện đang có một “sân chơi” quốc tế trên “đấu trường” bán lẻ Việt Nam. Điều này đang được diễn ra theo một xu thế chung – M&A. Đáng mừng là trong làn sóng M&A, Vingroup cũng đã “nhanh chân” sở hữu Vinatexmart, Ocean Mart, Maximark để gia tăng sức mạnh. Và biết đâu đấy trong một viễn cảnh không xa Vingroup có thể sẽ M&A cả thương hiệu bán lẻ nước ngoài?!

Tấn công trực diện hay M&A dồn dập của các đại gia bán lẻ nước ngoài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà bán lẻ trong nước nhưng nó cũng sẽ làm thị trường trở nên lớn mạnh và chuyên nghiệp.

Nếu có điều gì đáng tiếc nhất thì đó là chúng ta đã không có được một quy hoạch quốc gia sớm về lĩnh vực bán lẻ với những chính sách ưu đãi trước khi Việt Nam thực thi cam kết WTO. Nhưng thay vì tiếc nuối, nhà nước hãy vận hành, giám sát thị trường cho tốt, bản thân DN phải thay đổi để thích nghi với các chuẩn mực mới để cạnh tranh thành công với đối thủ, không riêng gì với DN nước ngoài.

“Chiếc bánh” chưa ngọt

Xếp hạng của Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI), Việt Nam liên tục nằm trong Top 30 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới cho đầu tư nước ngoài từ năm 2008 đến nay. Với dân số 93 triệu người, thị trường bán lẻ Việt Nam trị giá khoảng 110 tỷ USD mỗi năm tuy nhiên mới chỉ có 1/4 trong số này được phục vụ thông qua những kênh bán lẻ hiện đại. Tờ Nikkei (Nhật Bản) cũng cho rằng thị trường bán lẻ Việt sẽ đạt 150 tỷ USD vào năm 2020. Vì vậy, thị trường bán lẻ Việt sẽ tiếp tục là mối quan tâm thu hút của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là trong khi được đánh giá rất cao về tiềm năng thì lợi nhuận của phần lớn các DN bán lẻ tại Việt Nam đều rất thấp, thậm chí là thu lỗ kéo dài. Cụ thể, Metro trong suốt nhiều năm liền báo lỗ. Ngay cả Vingroup dù có tăng trưởng doanh thu rất tốt nhưng vẫn lỗ. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, Vingroup đã lỗ tới 1.218 tỷ đồng trong mảng kinh doanh bán lẻ.

Thực tế lý giải, trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, việc hy sinh lợi nhuận cũng như chấp nhận đầu tư lớn trong khoảng thời gian ngắn để nhanh chóng mở rộng thị phần là cách làm khôn ngoan và là lựa chọn của hầu hết các DN đi sau. Vì vậy có thể hình dung tương lai của ngành bán lẻ sẽ là “cuộc chơi” của những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính. Nhưng còn có những nguyên nhân khác đang bào mòn lợi nhuận của DN đó chính là thuế và chi phí mặt bằng lớn…

Nhưng có một thống kê thú vị chỉ ra rằng, đối thủ cạnh tranh của các DN bán lẻ hiện nay không phải là các “đại gia bán lẻ” mà chính là kênh phân phối truyền thống trong nước. Theo khảo sát của Kantar, trong năm 2015 bán lẻ truyền thống vẫn chiếm 82% thị phần theo giá trị ở khu vực thành thị và 98% thị phần theo giá trị ở khu vực nông thôn. Mô hình cửa hàng bách hóa và tiệm tạp hóa đang nắm giữ 60% thị phần bán lẻ, thị phần chợ truyền thống chiếm 10%. Điều đó cho thấy, các DN phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh nếu muốn giành phần nhiều về cho mình.

Theo Phan Nam – DĐDN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *