Thời cơ của các đại gia bán lẻ tại thị trường Việt Nam

TheLEADERNăm 2019 chứng kiến sự ra đi của nhiều chuỗi bán lẻ nước ngoài trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và xu hướng của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng tại Việt Nam. Trong khi đó, những nhà bán lẻ thắng cuộc có chiến lược mở rộng nhanh chóng, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng và thâu tóm các vị trí đắc địa.

Theo Fitch Solutions và EIU, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam tiếp tục nâng mức thu nhập khả dụng của hộ gia đình (2018-2020 CAGR là 10,4%) và mở rộng tầng lớp dân số thu nhập trung bình (CAGR 2018-2020 là 20,0%).

Hơn nữa, theo Nielsen, niềm tin của người tiêu dùng Việt đạt 128 điểm trong Quý 3/2019 nhờ triển vọng công việc và tài chính cá nhân được cải thiện.

Doanh thu bán lẻ tăng tốc khi mức chi tiêu của người dân tăng, dự báo sẽ tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 7,0% trong giai đoạn 2019-2023, nhanh hơn mức trung bình 6,4% được ghi nhận trong giai đoạn 5 năm qua, theo Fitch Solutions.

Theo quan sát, việc chi tiêu mạnh giúp thúc đẩy doanh số bán lẻ trong 2019 (tăng 12,7% so với cùng kỳ), với sự đóng góp của ngành F&B (tăng 13,2% so với cùng kỳ), hàng gia dụng (tăng 12,7% so với cùng kỳ) và hàng may mặc (tăng 11,3% so với cùng kỳ).

Với mức độ niềm tin của người tiêu dùng duy trì ở mức cao và chi tiêu hộ gia đình tăng, chúng tôi kỳ vọng doanh số bán lẻ của Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng ở mức hai con số vào những năm tới.

Để tận dụng sự bùng nổ bán lẻ tại Việt Nam, các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đã mở rộng sự hiện diện của họ đặc biệt là ở khu vực thành thị (Hà Nội và TP. HCM). Theo Savills, nguồn cung bán lẻ tại Hà Nội và TP HCM đều tăng 1,3 triệu m2 trong Quý 3 năm 2019, tăng lần lượt 11% và 12% so với cùng kỳ.

cac-buoc-thuc-hien-y-tuong-kinh-doanh-thuc-pham-rau-sach-hinh-anh-4

Đặc biệt, các trung tâm mua sắm đang trở nên phổ biến hơn với vai trò là một địa điểm tích hợp trải nghiệm mua sắm, giải trí và dịch vụ F&B, hấp dẫn hơn so với các mô hình department store còn hạn chế về hàng hóa và dịch vụ đi kèm.

Các nhà bán lẻ bắt đầu nâng cấp trải nghiệm mua sắm bằng cách chuyển sang các khu mua sắm lớn, như trung tâm mua sắm, department store và khối đế bán lẻ. Bắt đầu từ Hà Nội và TP. HCM, hai thị trường lớn nhất Việt Nam, các nhà phát triển bất động sản bán lẻ, đặc biệt là các nhà phát triển nước ngoài, đã nhanh chóng tăng cường sự hiện diện của họ để phục vụ nhu cầu gia tăng không gian bán lẻ hiện đại.

Năm 2019, thị trường cho thuê bất động sản bán lẻ tại Việt Nam tương đối tập trung và miếng bánh được chia sẻ giữa một số doanh nghiệp lớn, dẫn đầu là VRE (VRE) chiếm lần lượt 53% và 30% tổng số diện tích sàn bán lẻ tại Hà Nội và TP. HCM, Aeon Vietnam (10% và 20%) và Lotte Vietnam (5% và 10%).

Do sự phát triển của trung tâm mua sắm ở Việt Nam vẫn chưa thể sánh ngang với các nước trong khu vực như Philippines và Thái Lan, Công ty chứng khoán VnDirect cho rằng, dư địa cho các nhà phát triển bản động sản bán lẻ ở Việt Nam vẫn còn rất rộng mở trong giai đoạn bùng nổ của bán lẻ Việt Nam hiện nay.

Báo cáo Chiến lược đầu tư 2020 của VnDirect chỉ ra 2 xu hướng chính của ngành bán lẻ, bao gồm: bán lẻ tạp hóa đang chuyển dịch thành các cửa hàng quy mô nhỏ (siêu thị mini/minimart và cửa hàng tiện lợi), và xu hướng mua sắm sản phẩm điện tử là sự kết hợp hài hòa giữa cửa hàng vật lý và cửa hàng online (nền tảng đa kênh).

Các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini/cửa hàng bách hóa đang là điểm đến hấp dẫn người tiêu dùng Việt vốn ngày càng coi trọng sự thuận tiện, vệ sinh an toàn và dịch vụ tốt hơn. Theo Nielsen, người mua sắm Việt Nam giảm dần thói quen mua sắm ở chợ truyền thống và chọn đến các cửa hàng tiện lợi hoặc minimart thường xuyên hơn.

Xu hướng này đã dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các chuỗi cửa hàng tiện lợi/minimart tại Việt Nam, bao gồm cả thương hiệu nội địa (Vinmart +Bách Hóa XanhCo.op Food) và nước ngoài (Circle KB’s mart7-Eleven).

Gần đây, Vingroup (VIC), tập đoàn lớn nhất tại Việt Nam, đã ký Biên bản ghi nhớ để sáp nhập công ty con trong mảng bán lẻ (Vincommerce) với nhà sản xuất tiêu dùng hàng đầu Masan (MSN) để thành lập công ty hàng tiêu dùng và bán lẻ lớn nhất Việt Nam.

Công ty mới sẽ kế thừa mạng lưới bán lẻ 2.600 cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành với cơ sở dữ liệu khách hàng lớn và 14 trang trại nông nghiệp công nghệ cao của VinEco. VnDirect đánh giá, đây là một động thái chiến lược giúp thị trường bán lẻ Việt Nam tái cấu trúc theo hướng tập trung, sẵn sàng đối mặt với sự gia nhập của các nhà bán lẻ lớn nước ngoài.

Ngoài bán lẻ tạp hóa, bán lẻ điện tử tiêu dùng (CE) cũng là một phân khúc được chú ý. Các nhà bán lẻ điện tử lớn đã mở rộng quy mô cửa hàng của họ ngay cả khi lo ngại thị trường đã phần nào bão hòa, đặc biệt là với các thiết bị di động.

Công ty Cổ phần Thế giới Di động (MWG) vẫn duy trì vị trí dẫn đầu với 50% thị phần trong phân khúc điện thoại di động, tiếp theo là FPT Retail (FRT) với 18% thị phần. MWG cũng nắm giữ phân nửa thị phần ngành trong phân khúc bán lẻ điện máy.

Bắt kịp với xu thế, nhiều nhà bán lẻ điện tử đã áp dụng chính sách bán hàng đa kênh phục vụ cả nhu cầu mua sắm online và offline. Người tiêu dùng vẫn có thể tham khảo và thử trực tiếp tại các cửa hàng vật lý nhưng thực hiện giao dịch mua hàng trực tuyến để hưởng lợi từ ưu đãi/khuyến mại.

Ngược lại, người tiêu dùng cũng có thể tham khảo mức giá và mẫu mã thông qua website/ứng dụng của đơn vị bán lẻ nhưng thực hiện giao dịch mua sắm tại cửa hàng (theo Deloitte 2019). Và những ai chậm thích ứng đã phải ra đi.

Năm 2019 đã chứng kiến sự ra đi của nhiều chuỗi bán lẻ nước ngoài trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và xu hướng của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng tại Việt Nam. Các doanh nghiệp rút khỏi thị trường có đặc điểm chung là mô hình kinh doanh kém linh hoạt, khả năng tài chính hạn chế, thiếu đầu tư vào việc phát triển sản phẩm và dịch vụ cũng như chậm mở rộng mạng lưới.

Trong khi đó, những nhà bán lẻ thắng cuộc có chiến lược mở rộng nhanh chóng, nắm bắt tốt thị hiếu tiêu dùng và có khả năng chiếm các vị trí đắc địa.

Việt Hưng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *